webnovel

Bất Nhị và Nhị Nguyên

A. Bất Nhị (Nondualism)

Bất nhị hay bất nhị nguyên, phi nhị nguyên, phi lưỡng nguyên. Là một khái niệm mờ, tức là khái niệm có nhiều định nghĩa. Bất nhị không phải là hai hay nhiều, không phải tất cả, không phải một, và cũng không phải là sự kết hợp. Mà nó là vô cực, vô lượng hay không có số lượng.

Tất cả các hiện tượng đều tồn tại lẫn nhau; không có gì là riêng biệt. Mọi thứ tồn tại và phát triển dựa trên tính tương tác, tương quan và tượng thuộc… không có gì tự tồn tại, cũng không có bản chất tự thân hay đặc tính cố hữu. Mọi sự phân biệt giữa chúng ta với cái này và cái kia là tùy tiện, nó chỉ tồn tại trong suy nghĩ của chúng ta. Điều này không có nghĩa là không có gì tồn tại, mà là không có gì tồn tại theo cách chúng ta nghĩ.

Bất nhị là không hai, có cũng là không, không cũng là có, không phải có cũng không phải không. Vô thường là không, vô ngã cũng là không, Niết Bàn cũng là không. Tất cả đều là một, là ở trong nhau. Phật và chúng sinh là một, Phật sinh bất nhị, phàm thánh bất nhị, mê ngộ cũng bất nhị… Thân và tâm là một, có cũng là không, không có sự tách bạch tinh thần và vật chất.

B. Nhị Nguyên (Dualism)

Thuyết nhị nguyên hay nhị nguyên luận là một học thuyết triết học thừa nhận một cái gì đó hoặc tất cả mọi thứ, bao gồm cả chính nó - có thể được sắp xếp thành hai loại cơ bản và không thể bác bỏ. Có nghĩa là bất cứ thứ gì trên thế giới này đều có tính hai mặt, có sự tồn tại của 2 nguyên tắc đa dạng và trái ngược nhau.

Trong triết học phương Tây, thuyết nhị nguyên thường đề cập đến là quan điểm vật chất hoặc ý thức. Tuy nhiên, thuyết nhị nguyên có thể ám chỉ nhiều thứ khác như một cặp tương phản – nam và nữ, thiện và ác, sáng và tối.

C. Trong Đạo Phật

Ở giáo lý của Đạo Phật nguyên thuỷ, không phải là bất nhị và cũng không phải là nhị nguyên. Trái ngược với các hệ thống bất nhị nguyên, cách tiếp cận của Đức Phật không nhằm vào việc khám phá ra một nguyên tắc thống nhất đằng sau, hoặc bên dưới kinh nghiệm của chúng ta về thế giới. Lời dạy của Đức Phật là thực dụng, và không dựa trên một lý thuyết triết học cao siêu, suy đoán nào đó.

Tuy rằng không có sự phân biệt, vẫn có sự xuất hiện những thứ mang tính nhị nguyên theo cặp và đối lập như: thiện và ác, đau khổ và hạnh phúc, minh (trí tuệ) và vô minh, sắc và không, ... Tính hai mặt đáng kể nhất là giữa luân hồi sinh tử, cảnh giới đau khổ và niết bàn, giải thoát khỏi đau khổ.

Nguyên lý trung tâm của Phật giáo Đại thừa Trung quán tông (Madhyamika) nói rằng, luân hồi là niết bàn, rất khó hiểu theo bất kỳ cách nào khác ngoại trừ việc khẳng định hai cách nhận thức khác nhau, nhị nguyên và bất nhị.

Nhận thức nhị nguyên về một thế giới của các đối tượng rời rạc (một trong số chúng là tôi) được tạo ra và bị hủy hoại tạo thành luân hồi. Khi nhận thức nhị nguyên không sinh khởi, thì có niết bàn. Nói cách khác," niết bàn là 'bản chất thật' bất nhị của luân hồi."

Có thể không rõ tại sao câu trả lời cho "bao nhiêu" là "không phải hai." Đại thừa đề xuất rằng mọi thứ đều tồn tại theo cách tuyệt đối và tương đối hoặc quy ước. Trong cái tuyệt đối, mọi hiện tượng đều là một, nhưng trong cái tương đối, có nhiều hiện tượng khác biệt.

Theo nghĩa này, hiện tượng vừa là một, vừa là nhiều. Chúng ta không thể nói tất cả các hiện tượng đều là một; chúng ta cũng không thể nói có nhiều hơn một. Vì vậy, chúng ta nói, "không phải hai."

D. Trong Đạo Lão

Khái niệm điển hình nhất ở Đạo Lão là ở thuyết âm dương. Có thể một số người sẽ lầm tưởng rằng âm dương là thuyết nhị nguyên, nhưng thực chất nó khởi phát từ bất nhị.

Thuyết âm dương có câu: "Vô cực (hư vô) sinh Thái cực, Thái cực sinh Lưỡng nghi, Lưỡng nghi sinh Tứ tượng, Tứ tượng sinh Bát quái". Lưỡng nghi chính là âm dương. Âm - Dương hợp nhất trọng Đạo sẽ trở thành nhất nguyên (Thái cực). Đạo Lão xem đây là trở về với cái "Chân". Hoặc ngay như câu nói mô tả biểu tượng thái cực là "Âm trung hữu Dương căn, Dương trung hữu Âm căn" có nghĩa là trong Âm có Dương, trong Dương có Âm.

E. Trong đời sống

Đối với thế gian mà nói thì thuyết bất nhị hay nhị nguyên là cái gì đó quá cao siêu, không phải ai cũng có thể hiểu được nó chân chính. Với bất nhị sẽ là sự không phân biệt, không ranh giới, không khác biệt ... Nó có thể dẫn đến những sự biến tướng hoặc lu mờ những điều chân chính. Với nhị nguyên thì là sự rạch ròi quá mức, ví dụ như phân biệt trắng đen rõ ràng.

Trong đời sống, chúng ta không được để nhị nguyên rạch ròi, che mờ các phán đoán và cũng không được biến tướng cái bất nhị. Để cho dễ hiểu, hãy nhìn vào ví dụ về câu nói sau "Sát nhất miêu cứu vạn thử", có nghĩa là giết một con mèo cứu vạn con chuột. Nếu giết 1 con mèo thì ta ác với con mèo, nhưng đối với con chuột đó là điều tốt. Nhưng nếu đối với ng dân thì bị chuột cắn phá đồ lại thành ko tốt. Nhưng đối với con cú mèo đó lại là điều tốt, vì có con chuột cho nó mang về cho con nó. Hay như câu chuyện "tái ông thất mã, yên tri phi phúc". Cái họa của người này là cái phúc kẻ khác, trong đúng có sai, trong sai có đúng, trong Âm có Dương, trong Dương có Âm. Đúng sai trong này vốn không thể tách bạch rõ ràng được.

F. Tổng kết

Thuyết Bất Nhị là cái bao trùm lên thuyết Nhị Nguyên. Ở trong cái vô cực, vô lượng có vô số những cái nhị nguyên do ta quy ra. Mà những cái nhị nguyên vốn dĩ đều chỉ là vô lượng sự trong bất nhị do ta nhìn nhận mà phân biệt.

Hai học thuyết thực tế này không phải là chân lý của vũ trụ. Nó chỉ là sự nhận thức của con người về sự vật, nó mang nghĩa triết học chứ không có gì cao siêu, phức tạp. Đó là cách ta nhìn nhận một sự việc, cách ta hiểu 1 vấn đề.

Nếu ta máy móc, chủ quan và bó hẹp tư tưởng thì tách bạch và cố hữu ở Nhị Nguyên. Còn mở rộng tư tưởng ra thì mọi thứ tất cả đều là một, đều không phân biệt.