Anh bất ngờ quay mặt lên hướng mắt về phía bức tranh mà bản thân vừa mua. Không biết từ khi nào hình vẽ trong đó đã chuyển động, cô gái liên tục vẫy tay với anh rồi nói:
"Cuối cùng cũng tìm thấy tui rồi sao, tui đợi hơi lâu rồi đó nha!" cô nói bằng giọng trách móc với người đã mua cô về.
Anh vẫn ngớ người đứng đó, không tin vào mắt mình, anh dụi mắt rồi nhìn lại cô.
Thấy anh ta hành động ngốc nghếch như vậy cô cũng mặc kệ mà tiếp tục nói: "Hehe! Xin chào, tui là Thiên Lam. Mà cho tui hỏi ở đây là đâu vậy? Anh có thấy cha tui ở đâu không? Ông ấy là một họa sĩ siêu siêu giỏi luôn á, ông ấy khá là già và dày dặn kinh nghiệm nhưng chẳng hiểu sao mấy người ở triển lãm nghệ thuật gì đó không chấp nhận mấy kiệt tác của cha tui, bọn họ kì thật đấy! Mà mỗi việc ông ấy tạo ra tui thôi đã thấy siêu rồi đúng không?"
Anh vẫn đang bất ngờ mà chưa chấp nhận được sự thật, một bức tranh có thể nói chuyện mà còn biết tên của chính bản thân mình và người tạo ra nó nữa.
Cô hào hứng nói tiếp: "Cũng kì ha, bình thường cha sẽ đến thăm tui tầm vài tháng một lần hoặc sau khi ông ấy hoàn thành những bức vẽ khác cơ. Mà nè anh là ai vậy?" cô hỏi rồi nở một nụ cười dịu dàng.
Thấy cô vô hại nên anh cũng yên tâm hơn mà nói chuyện với cô: "Tôi là công tước Cao Tuấn, người có quyền lực nhất ở London và cũng chính là người cai quản ngục ở đây."
"Oa! Anh giỏi dữ vậy!" cô đáp lại với giọng nói tràn đầy sự ngưỡng mộ đối với anh.
Anh nói tiếp: "Đây là nhà tôi, tôi mua cô về từ một phiên đấu giá đấy. Theo như thông tin tôi nhận được thì cha cô mất rồi, ông ấy không đến thăm cô được nữa đâu."
Gương mặt của Thiên Lam bắt đầu xụ xuống, nước mắt như muốn trào ra: "Hic...hic...không đâu anh lừa tui, cha tui còn chưa trở thành đại danh họa sao ông ấy có thể mất được, rõ ràng là anh lừa tui." càng nói cô càng khóc lớn hơn.
Thấy cảnh tượng trước mắt, anh cũng bối rối chẳng biết làm gì vì từ đó tới giờ anh có khi nào lâm vào trường hợp như vậy đâu.
Anh lấy tay gãi nhẹ tai phải như một thói quen rồi nói: "Thôi thôi, nín đi, cha cô chết rồi mà tui cũng lỡ mua cô về rồi hay là để tui làm người thân của cô nha. Đừng khóc nữa nha?"
"Anh....anh..hic..anh làm người thân...của tôi..à?" từng câu hỏi của cô xen lẫn với những tiếng nấc một cách đầy sự hoài nghi.
Anh đáp lại một cách nhanh chóng: "Đúng rồi đúng rồi, tui sẽ làm người thân của cô, nói chuyện với cô hằng ngày luôn vậy nên nín đi nha!"
"Hic...vậy cũng được nhưng mà....." cô đáp trong ngại ngùng rồi đưa tay chỉ xuống phần thân dưới của anh.
Không hiểu cô đang ngại ngùng gì, anh nhìn xuống chỗ cô đang chỉ rồi anh chạy thẳng vào nhà vệ sinh và nói xin lỗi thật to, anh nhận ra rằng bản thân chỉ quấn mỗi cái khăn vậy mà lại nói chuyện một cách hết sức thản nhiên với một cô gái.
Sau khi mặc trang phục đàng hoàng đi ra thì anh cũng nói chuyện với cô mới biết được rằng người họa sĩ cô gọi cha là một thiên tài hội họa xấu số. Do ông sinh ra và lớn lên ở vùng quê nên những người của triển lãm nghệ thuật khinh thường xuất thân của ông. Cho dù những bức tranh ấy có đẹp cỡ nào thì cũng bị họ gạt bỏ sang một bên. Thiên Lam là họa linh của bức tranh cùng tên, người họa sĩ ấy có thể cảm nhận được họa linh bản thân tạo nên và thường xuyên nói chuyện với Thiên Lam rồi dần dần nhận cô ấy làm con nuôi. Lam được đặt trong một căn nhà gỗ riêng biệt trong rừng nơi thường được ông họa sĩ dùng để đựng đồ nghề vẽ tranh. Do quãng đường khá xa nên ông cũng không thường xuyên đến thăm cô được. Cái chết của ông là do một căn bệnh hiểm nghèo gây nên và suốt khoảng thời gian mắc bệnh ông luôn ở nhà và cũng mất luôn tại đó. Kể từ ngày ông mất chẳng có ai nhớ đến căn nhà gỗ trong rừng nơi ông thường vẽ tranh cho đến một ngày khu vực đó bị chính quyền để mắt đến và định xây dựng thành một khu dân cư nên ngôi nhà bị quên lãng trong suốt nửa thập kỉ kia đã bị tìm ra. Vì thế mà tay sai của người thuộc sàn đấu giá mới tìm thấy được cô.
Kể từ cái ngày cô được đưa đến, những người hầu đều nghĩ anh đã có bạn gái rồi. Ngày ngày ở trong phòng nói chuyện với cô ấy, đôi lúc họ còn nghe thấy tiếng cười của cô gái trẻ tuổi. Họ cũng không còn thấy công tước Cao Tuấn ra khỏi biệt thự thường xuyên nữa, đồ ăn thì luôn đặt trước cửa và luôn là hai phần, mọi chuyện cũng bắt đầu kì lạ hơn từ đó. Anh ta thường xuyên cáu gắt, quát tháo những người hầu trong nhà khi họ tạo ra tiếng động lớn khiến cô gái gì đó theo lời anh nói hoảng sợ. Một năm, hai năm, ba năm cứ thế trôi qua, tiền bạc của cải trong nhà cũng vơi dần, người hầu cũng bỏ việc đến nơi khác vì không chịu nổi được anh, chỉ còn mỗi bác quản gia trung thành vẫn ở đó chăm sóc anh, mang đồ ăn đến cho anh. Đến một ngày nọ:
"Cốc...cốc...cốc.." tiếng gõ cửa của bác quản gia vang lên như thường lệ
Đáp lại ông chỉ là sự im lặng.
Thấy thế bác quản gia mới lên tiếng: "Công tước Cao Tuấn, đồ ăn của ngài đã đến rồi."
Vẫn là sự im lặng đó.
Bác quản gia lại tiếp tục hỏi: "Công tước ngài có ở trong đó không?"
Không thấy tiếng đáp lại ông nghĩ rằng anh đang tắm, quản gia mở cửa phòng anh ra để đẩy thức ăn vào. Trước mắt ông là hàng đống những đĩa đồ ăn, sâu bọ lúc nhúc khắp nơi, căn phòng tối đen, không khí lạnh ngắt như chẳng dành cho người sống, mọi thứ bừa bộn đến mức không thể tin được. Ông bàng hoàng tưởng rằng công tước của bản thân đã xảy ra chuyện, ông để lại đồ ăn ngay cửa rồi chạy lại mở rèm ra để ánh sáng chiếu vào phòng để kiểm tra.
Hôm sau báo đài đưa tin về cái chết kì lạ của công tước Cao Tuấn, tất cả những gì còn lại của anh chỉ là cơ thể đang bị phân hủy và theo chuyên gia phân tích anh đã chết trước đó một tháng và trúng độc của hoa kèn tiên. Nhưng kì lạ thay anh luôn nhận đồ ăn từ bên ngoài đến ngày ?3 /4 /16?? thì mọi người mới tìm ra thi thể anh và anh còn chẳng bước nửa chân ra khỏi phòng thì độ từ đâu ra. Cuối cùng chính là bí ẩn về bức tranh Thiên Lam trong phòng công tước, khi nó không hề có một hạt bụi bám vào như được lau chùi hằng ngày.
Hoa kèn tiên: còn được gọi với tên "hơi thở của quỷ", nạn nhân chỉ cần ngửi phải hương hoa sẽ rơi vào trạng thái vô thức, tạo ra ảo giác và khiến người ngửi phải không biết đâu là thật đâu là ảo.