5 Chương 05

Chơi golf xong một hồi, cả tụi lại rủ nhau đi du lịch ở vịnh Hạ Long khoảng ba ngày. Chẳng biết vì sao lúc ấy tôi lại từ chối bọn họ, rồi bảo:

"Thôi mọi người về sớm đi, lúc rảnh thì tao đi chơi cùng. Bữa nay… tao muốn ăn Tết với mấy ông bà già ở nhà."

Khánh nghe vậy thì nhếch môi cười, trêu: "Mày có hiếu từ khi nào thế?" Tôi chỉ mặc kệ thằng Khánh cười ranh mãnh mà lén nhìn về phía ngôi trường nhà lá phía xa.

Trân nhìn theo hướng tôi nhìn rồi hỏi: "Minh. Cậu nhìn gì thế?"

Tôi nhìn sang Trân, nói: "Không có gì cả. Chỉ nhìn này nọ thôi."

Trân nhìn tôi rất quái lạ, như thể người đứng trước mặt cô là một con người xa lạ. Trong mắt Trân lộ vẻ bất an, nhưng bằng một cách nào đó, cô cũng phớt lờ cảm xúc ấy rồi nói thầm: "Không có gì thì tốt."

Lúc ấy tôi không quan tâm Trân nghĩ gì lắm. Tôi cho rằng chỉ là tôi đang lo rặn óc tìm cách để lát nữa bắt chuyện với Liên nên mới tưởng tượng ra nhiều thứ quá thôi. Sau khi viện cớ rằng mình chỉ ra cổng để tiễn mọi người thôi vì vẫn còn thèm đánh golf tiếp, tôi cuối cùng cũng thuyết phục được bọn bạn về trước. Chiếc xe trắng vừa chạy được một khoảng xa thì tôi lập tức chạy vào trong sân golf vớt lấy chiếc ba lô, lôi ra vài tờ một trăm, hối ông chủ bán nước cho tôi một thùng nước trái cây Vinut, vội vã rinh thùng đá đựng nước đến ngôi trường kia.

Lúc Liên dẫn mấy đứa trẻ ra ngoài cửa sau khi tan trường thì thấy tôi. Biết rằng cô thấy lạ lẫm trong sự hiện diện của mình, tôi giải thích:

"À, bởi vì tôi chợt nhớ tới mấy em nhỏ nên mới mua nước cho mỗi em ấy mà." Liên nhìn tôi ngờ vực, nhưng trước khi cô kịp cất lời thì bọn trẻ đang xách cặp thì đã reo hò hoan hô tôi. Mỗi đứa léo nhéo một kiểu rồi cùng xúm lại thùng đá tranh nhau chọn lon này lon nọ. Liên thấy cảnh tượng này rồi cũng thở dài. Cô vỗ tay theo nhịp điệu để lấy sự chú ý của chúng, rồi nói:

"Ai là bé ngoan giơ tay lên?" Vừa cất thanh là hàng loạt bọn trẻ nhìn Liên giơ tay lên, ai cũng hăm hở đáp rằng mình là bé ngoan. Nghe thế khóe môi Liên hơi kéo lên. Cô nói tiếp:

"Nếu là bé ngoan thì hãy xếp hàng theo trật tự. Em nào thích vị chanh sả thì đứng bên tay trái, em nào thích vị xoài thì đứng bên tay phải." Thế là trong một giây phút tôi đã chứng kiến được uy lực của Liên với bọn con nít. Trong tích tắc, bọn trẻ đã xếp thành hai hàng ngay ngắn trước hộp thùng đá, mắt mỗi đứa lung linh đầy sao, vô cùng nao núng chờ đợi Liên nói tiếp.

Trong lúc bọn trẻ lần lượt lấy lon nước, Liên nghiêng người khoanh tay hỏi tôi: "Cảm ơn cậu đã mua nước cho bọn trẻ nhiều, nhưng nhiêu đây hết bao nhiêu?"

Tôi liền lắp bắp đáp lại: "À, cái này á? Cái này là lòng tốt của tôi cho bọn trẻ thôi. Cô khỏi cần phải trả tiền cho tôi."

Liên mỉm cười nói thầm trong miệng: "Vậy à?"

Bọn trẻ vừa cầm lon nước xong thì vẫy tay chào tạm biệt với chúng tôi. Một số đứa còn quyến luyến gì đó còn đứng ngay chân tôi, đặc biệt là cô bé và thằng bé níu áo tôi khi nãy. Bọn chúng cúi đầu cảm ơn. Thằng bé thì la hét này nọ nói rằng tôi nên ghé thăm nhiều hơn, bữa nào tan trường nó sẽ dẫn tôi đi câu cá. Còn cô bé thì đỏ mặt cứ quấn quýt bên tôi không chịu về, đến khi tôi cúi xuống tầm cô bé khuyên nhủ thì nó mới bĩu môi chịu đi về. Lúc tôi đang vui vẻ nhìn tụi nó về thì Liên quay qua nhìn tôi hỏi:

"Cậu không định lái xe về à? Bây giờ cũng trễ rồi đấy."

Tôi đáp: "Do tụi bạn về trước rồi nên giờ tôi không có xe quá giang. Vừa hay tôi ra lúc cô vừa mới tan lớp, nên tôi định đi về cùng cô ấy mà."

Liên nói: "Thiệt ấy hả? Sao tôi chưa bao giờ thấy cậu vậy nhỉ? Xe buýt cũng chỉ có hai ba tuyến về chợ Bàn Cờ thôi mà."

Tôi nuốt một ngụm hỏi lại: "Cô ở chợ Bàn Cờ à?"

Liên nhếch khóe môi, nghiêng đầu nhìn tôi: "Chứ đó không phải nhà cậu à? Có phải cậu cùng tôi đi về không vậy?"

Tôi lập tức gật đầu lia lịa trả lời: "Có có. Đó là chỗ nhà tôi đấy. A ha ha, chỉ là mới đánh golf ngoài nắng xong nên đầu có hơi quay."

Nhìn thấy Liên giống như cũng đã tin lời tôi nói, tôi đành lau đi mồ hôi lạnh. Hồi nãy giờ nói chuyện thôi mà tôi như muốn thót tim. Tưởng chừng đi ký hợp đồng còn chưa gắt bằng trả lời chất vấn của cô ấy nữa.

Sau khi khóa cửa trường và trả lại thùng đá cho ông chủ quán nước, tôi cùng Liên ra ngoài đường chính đón xe buýt. Vừa ngồi trên xe xong tôi liền bị soát vé. Thế là tôi đưa cho ông ta một tờ hai trăm nghìn, nhưng ông ta lại nhướng mày nhướng miệng nhìn tôi như đang nhìn một đứa tâm thần. Tôi còn tưởng chưa đủ nên còn định lấy ví ra một lần nữa để đưa thêm một tờ trăm nghìn.

Liên thấy vậy liền kéo lại tờ trăm nghìn vào ví tôi rồi đưa cho ông soát vé hai tờ mười nghìn cho ông ta, một tờ để mua hai chiếc vé xe buýt, tờ còn lại để ông ta mua một chai nước uống. Ông soát vé nhìn Liên với vẻ hiền từ, miệng vui vẻ nói chúc cô một cái Tết an lành. Sau đó ông ta liếc nhìn qua tôi trả lại tờ hai trăm nghìn. Ông ta lại nhìn qua Liên một cách thành khẩn, khuyên nhủ:

"Con có lấy ai thì đừng có lấy thằng này. Nghe ông đi, kinh nghiệm sống của ông gần năm mươi năm rồi. Cưới một thằng công tử ở ru rú trong nhà trước sau gì cũng khổ thôi."

Ông ta nói mà làm tôi muốn phát hỏa. Rõ ràng tôi là đã là người đi làm với vô số thành đạt trong sự nghiệp rồi, còn mua nhà mua cửa cho ba mẹ ở tận Đà Lạt, ai nói với ông tôi là một người vô dụng hả? Nhưng vì Liên còn ngồi ngay bên cạnh tôi nên tôi chẳng dám hé lời nào. Chỉ đành nhịn nhục mà chịu đựng cơn tức này.

Liên nghe vậy đành cười trừ, đáp với ông lão rằng: "Dạ, cháu cảm ơn ông." Thế là ông ta cũng yên tâm hơn mà rời đi hàng ghế của tôi đến chỗ ngồi cạnh cửa xe. Đã rời đi rồi mà ông ta còn phải trừng mắt nhìn tôi một cái cho bỏ ghét nữa. Thật tình, tôi có lấy con gái ông đâu mà ông lo?

Được ngồi bên cạnh Liên vài phút thì xe buýt lại dừng lại ở một trạm. Vì là giờ tan việc nên hành khách từ trạm này lên nhiều không đếm xuể. Mọi người xô đẩy nhau để vồ lấy hàng ghế, rồi mạnh ai nấy lo. Lúc tôi thấy một người phụ nữ mang bầu thì bản tính làm người lại xuất hiện.

Tôi lập tức đứng dậy nhường chỗ cô ấy ngồi, rồi cũng giúp cô ta mang đứa bé trai của cô đứng bên cạnh mẹ nó. Cô ta cùng đứa bé trai cảm ơn tôi, tôi cũng đáp lại không có chi, đều là việc nên làm. Liên thấy vậy cũng mỉm cười với tôi. Mặt tôi như nở hoa, nhưng ngay khoảnh khắc đó tôi chợt nhớ lại. Oái chết, bỏ lỡ cơ hội ngàn năm được ngồi bên cạnh Liên rồi!

Thế là trong một khoảng thời gian dài đứng trên xe, tôi nín nước mắt nhìn Liên cùng người phụ nữ và con trai cô ta vui vẻ trò chuyện với nhau. Thôi, coi như làm đàn ông cũng có cái giá của nó đi.

Khi tôi cùng Liên đi qua chiếc xe buýt thứ hai để về chợ Bàn Cờ. Lúc đầu tôi khờ khạo chả biết mình phải đi hai chuyến xe khác nhau, nhưng thấy Liên đã gần xuống xe thì liền tức tốc chạy ra khỏi chiếc xe buýt. Lần thứ hai lên xe buýt tôi rút kinh nghiệm nhờ Liên trả tiền giùm, ai ngờ bà cô soát vé nhìn tôi như gặp thằng đểu.

Bà ta nói xéo trong miệng đủ để tôi nghe: "Ối giời cái thằng chỉ biết mồi chài con gái nhà lành." Tôi cắn răng nhịn để không so đo với bà ta, chứ lúc ấy tôi chỉ muốn gào thét lên rằng tôi là đàn ông quân tử mà. Chỉ là tôi không có tiền nhỏ để bà thối thôi.

May thay lên chuyến xe này nhiều người đã xuống xe rồi, nên tôi được ngồi cùng Liên. Tôi cùng Liên nói chuyện được một hồi thì tôi hỏi:

"Vậy là cô hiện tại đang làm tình nguyện viên dạy học à?"

Liên lắc đầu, mắt vẫn nhìn về phía trước, bảo: "Cũng không hẳn là dạy học. Thỉnh thoảng tôi đến trường để phụ giúp một người bạn của tôi thôi. Tôi chỉ hướng dẫn các em về vài kỹ năng sống hoặc kỹ năng mềm."

Tôi hỏi: "Vậy ngày mai cô còn dạy à?"

Liên nói: "Không hẳn. Chỉ là định đi làm từ thiện vào ngày mai thôi. Xong xuôi thì ghé thăm trường."

Mắt tôi sáng bừng lên. Tôi vờ như không quan tâm, hỏi tiếp: "Tôi có thể tham gia buổi từ thiện này không? Nếu có cần gì thì tôi cũng có thể phụ giúp. Tôi cũng có thể rủ bạn tôi để quyên góp chung nữa."

Và bằng một cách nào đó, Liên cũng đồng ý cho tôi cùng mấy đứa bạn tham gia vào sự kiện từ thiện này. Ngày hôm sau những người tham gia tập trung tại quận 1 để tiện cho nhiều người sống ở những khu khác nhau. Vì muốn để lại ấn tượng tốt, tôi đến sớm trước mười lăm phút giờ quy định và may mắn được đứng đợi cùng Liên. Đang đứng đợi thì Liên hỏi tôi:

"Cậu sống ở đâu ở chợ Bàn Cờ thế? Hôm qua vừa xuống xe thì đã đi đường khác với tôi rồi."

Miệng tôi căng cứng lên, suýt nữa quên đáp lại: "Tôi nói là nói nhà tôi ở trên chợ Bàn Cờ thôi, nhưng thật ra nhà tôi ở trên đoạn đường chợ Bàn Cờ. Không phải ở quanh đó."

Liên mỉm cười, gật đầu tỏ ra hiểu rồi. Cô cũng nói thêm: "Vậy là được rồi. Tôi cứ ngại là vì cậu khách sáo với tôi, nên mới đi cùng đường tiễn tôi về thôi."

Tôi chảy mồ hôi ròng, cũng ừ hử cho qua. Đương nhiên là nhà tôi làm gì ở chợ Bàn Cờ! Nhà tôi ở khu Thảo Điền mà, cách từ đây qua đó cũng gần một tiếng đồng hồ chứ có ít đâu. Hôm qua vừa bước xuống xe buýt là tôi liền chào tạm biệt rồi rẽ qua hướng khác. Đi được một đoạn thì tôi trốn ở ngõ nào đó, đợi bóng của Liên khuất dần trong khu chợ, sau đó mới gọi điện thoại đón taxi đi về nhà. Về tới nhà thì đã hơn chín giờ tối. Suốt cả một ngày lòng tôi thấp thỏm y chang một thằng ăn trộm vậy.

Đợi một hồi thì tất cả mọi người đều tập trung hết. Hoạt động từ thiện này có khá nhiều người tham gia từ cô chú bác đến một vài cô cậu thanh niên. May thay, sau khi tôi hớn hở gọi tụi bạn mời chúng nó tham gia hoạt động này, thì ít ra, Trân cùng Khánh cũng xuất hiện. Tụi kia thì bảo bận quá nên không đi được rồi.

Trân và Khánh nói rằng bởi vì mời gấp quá nên đợi sau Tết bọn họ mới thu được tiền mặt quyên góp được (bởi lẽ tổ chức từ thiện này không nhận chuyển khoản). Vậy mà lúc họ xuất hiện rầm rộ với hai chiếc xe hơi, một chiếc Roll Royce trắng tinh và một chiếc xe thể thao Lamborghini đỏ, tôi cảm thấy hơi ngại khi nhìn sang cách các cô bác trề môi thì thầm to nhỏ.

Trân và Khánh bước xuống xe với cặp kính râm đến chỗ chúng tôi, rồi để tài xế của họ lái xe về.

Người chủ trì sự kiện này, chị Trúc, bắt đầu nói sơ lược qua kế hoạch cùng thời khóa biểu của sự kiện này. Tại sự kiện này, chúng tôi sẽ đi đến Gò Vấp để cùng hoạt động chung với những trẻ em với hoàn cảnh khó khăn. Sau khi tổ chức những trò chơi nhóm sẽ đến phần phát quần áo Tết, và cuối cùng là màn phát biểu cũng như là gửi tiền học bổng cho các em.

Xong xuôi, tôi cùng mọi người lên xe đò mười sáu chỗ đến Gò Vấp, với chiếc xe tải chở những thùng quần áo theo sau. Trên xe, lúc tôi đang định ngồi bên cạnh Liên thì lại bị dồn ra phía sau cùng với Trân. Còn thằng Khánh thì ngồi bên cạnh Liên. Vừa ngồi lên xe thì Trân khó chịu tựa đầu lên vai tôi, bảo rằng mùi xe hôi quá nên không chịu được. Tôi đành ừ để Trân gác đầu lên vai, không thôi cô ta mà lỡ có ói thì tôi là người hứng chịu.

Bởi vì nơi chúng tôi hoạt động là ở trường học (để dễ dàng tập trung các em), nên các em đều mặc đồ đồng phục đón chúng tôi trước cổng trường. Lúc tôi cùng mọi người đến nơi thì chúng tôi cùng các em chào hỏi làm quen với nhau. Xong, theo kế hoạch thì chị Trúc cùng các cô bác lớn tuổi hơn sẽ đi bắt đầu cuộc làm quen trước với các em, còn những người còn sức khỏe thì đi khiêng thùng quần áo vào trường.

Trong lúc khiêng thùng thì nam mỗi đứa khiêng một thùng, còn nữ thì hai người một thùng. Vậy mà từ đâu ra tôi thấy dáng vẻ khỏe khoắn của Liên, trong bộ quần jean đen và chiếc áo thun trắng, thong thả khiêng cả một thùng nặng ký. Tự nhiên trong người tôi rạo rực adrenaline, cứ nghĩ mình càng phải cố gắng hơn, không thể chịu thua được. Trong sự hăng hái của mình, tôi vừa sải chân vừa khiêng thùng này sang thùng khác. Thằng Khánh nhìn qua tưởng rằng tôi đang thi đua với nó khiêng thùng, thì cũng bắt đầu tăng tốc, liên tục hét:

"Bỏ cuộc đi anh bạn! Tao thắng chắc rồi! Mày đừng hòng vượt qua tao!"

Nó hét hò như vậy mãi mà cũng khiến mấy cậu thanh niên kia cũng nổi tính cạnh tranh theo, rồi cả bọn như những vận động viên nam mang bầu mà liên tục tranh giành từng thùng để mà rinh đi. Những nữ tình nguyện viên đi cùng bọn tôi cũng cười khúc khích. Đến nỗi khi thấy bọn tôi khiêng hết xong, nằm trên bậc thang thở hồng hộc như cá trên bờ, thì thùng cuối cùng cả bọn nam chả đứa nào khiêng nỗi nữa. Thùng cuối cùng đành để Liên khiêng vào.

Liên đi ngang qua thấy chúng tôi nằm ngã ngửa, bê bết trên bậc thang thì cười rộ lên. Liên dừng lại nói: "Mọi người làm việc từ từ thôi, có chí thì nên mà."

Một số người thì chỉ lo thở hồng hộc thôi, ráng lắm mới ú ớ được một câu: "Ừ… rút kinh nghiệm rồi… Không làm nữa đâu."

Còn tôi thì cứ nhìn mãi theo Liên khi cô khiêng tiếp thùng vào phòng. Thằng Khánh dường như ngửi được mùi gì rồi, nên mặc dù thở như con cá sắp lên thớt, nó cũng ráng lâm le đến bên cạnh tôi huých cùi chỏ vào tay tôi, nhướng mày hỏi:

"Mày tương tư Liên được bao lâu rồi?"

Nhìn cái mặt cười toe toét của nó khiến tôi lập tức ngứa mắt mà đẩy mặt nó ra. Tôi đứng lên định đi chỗ khác thì thằng Khánh kéo tay tôi xuống, khoác tay qua vai tôi, bảo: "Này anh bạn. Mình thân với nhau bao nhiêu năm mà đây là lần đầu tiên tao thấy mày đắm đuối một cô đấy. Nói, khi nghĩ tới cô ta, mày dùng tay phải được mấy lần rồi?"

"Im đi. Đừng chọc tao nữa." Tôi đỏ mặt xoay ra chỗ khác, không muốn đoái hoài với sự trẻ con của thằng bạn nữa.

avataravatar
Next chapter