4 Chương 04

Liên thấy tôi giúp cô ấy thì cơ mặt liền giãn ra. Rồi Liên cúi đầu xuống với đám học sinh, cười tươi nói: "Các em ơi! Chúng ta quay về trường nha!"

Bọn trẻ vui vẻ gật đầu. Với chất giọng cao vút, tất cả đồng thanh: "Dạ!"

Một số đứa hớn hở khi thấy một vị khách lạ gia nhập vào ngôi trường của chúng thì liền quây quần lấy tôi. Chúng vô cùng tự nhiên nắm lấy tà áo thể thao của tôi, đứa nọ thì giật giật ống quần bên trái. Có lẽ vì đây là lần đầu tiên chúng thấy bộ quần áo thể thao Tây hóa như vậy, nên mới tò mò chạm lấy chạm để xem sao.

Đang đi trên đường, tôi cúi đầu xuống nói: "Này, kéo tiếp thì hơi bị nguy hiểm nha nhóc."

Thằng bé tinh nghịch nghe tôi nói vậy thì càng khoái hơn, càng giật mạnh hơn. Cảm nhận được lưng quần của tôi dần tuột xuống, tôi liền ghẹo:

"Nhóc mà quậy phá là chú sẽ không vác nước nữa đâu đó."

Nó nghe vậy thì hoảng hồn, nhưng rồi cũng rống miệng lên nói: "L-Làm gì có! Chú nói xạo đúng không? Cô Liên! Cô Liên! Chú này nói giỡn thôi đúng không?"

Liên vừa nghe vậy liền xoay người ra sau đi ngược lại. Vẫn vác trên vai bình nước 20 lít, Liên liền đùa theo:

"Chú ấy á? Chú ấy nói thiệt đó Sang! Con mà chọc chú ấy giận là con phụ chú ấy vác bình đấy."

Thế là thằng bé tin răm rắp mà bỏ tay ra khỏi quần tôi, nhưng vẫn không chịu thua thiệt mà nắm lấy tà áo của tôi.

Trên đường về nắng gắt vô cùng, vậy mà Liên với cái trán ướt đẫm mồ hôi, với bình nước nặng đè vai vẫn có thể cười vui vẻ hát hò cùng bọn trẻ được. Tôi chưa bao giờ thấy một người con gái nào vác nước mà ung dung như thế cả. Đi một quãng đường dài xong thì cũng đến ngôi trường kia. Khi tôi cùng Liên bước vào ngôi trường phủ lá khô, tôi cùng cô ấy phụ nhau kê mấy bình nước lên bàn.

Khó khăn lắm Liên mới khuyên bọn trẻ đừng bu lấy tôi nữa. Thật sự bọn trẻ lúc ấy còn đáng sợ hơn cả xe cán nữa. Ít ra xe cán một lần là thôi, còn đằng này tụi nó cứ liên tục từng đứa một đè lên tôi không thương tiếc.

Vừa xong thì tôi mới quan sát bên trong ngôi trường này. Gọi là ngôi trường, nhưng thật ra cũng chỉ có một lớp học chật hẹp với hai ô cửa sổ hai bên tường cùng với một cửa trước, một cửa sau. Lớp học không lót một miếng gạch, không một máy điều hòa hoặc một cái quạt trần. Trước mặt là một tấm bản đen cũ, một chiếc bàn gỗ trên bục giảng cho giáo viên và nhìn giữa phòng là ba bốn dãy bàn học sinh xếp ngang.

Lúc này tôi mới nhận ra những đứa bé đang nô đùa ngoài cửa không mặc đồng phục, mà là những bộ quần áo lấm bụi, vải rách vài lỗ li ti, và những đôi dép nhựa mòn đế.

"Cảm ơn cậu nhé." Liên bỗng thốt lên khi tôi và cô ấy ngồi dựa trên bàn nhìn ra ngoài cửa sổ.

Tôi quay qua nhìn sang. Liên nhìn tôi cười lộ hàm răng, đôi mắt đen láy nhìn tôi với một niềm vui êm dịu. Liên giơ cánh tay phải lau mồ hôi từ vầng trán đến chiếc gáy thon mịn. Tôi lập tức quay đầu nhìn về phía trước. Hầu kết hơi động lên xuống.

"Đây, tiền hồi nãy đây." Liên đưa cho tôi một tờ năm chục nghìn trước mặt tôi. Tôi xua tay nói:

"Không sao. Cô giữ đi."

Liên vẫn tiếp tục: "Không được. Vốn dĩ tôi phải là người trả tiền nước nên cậu nhận lại đi. Cậu mà không nhận thì tôi xem như cậu coi thường tôi đấy."

Câu nói ấy khiến tôi bỗng chột dạ khi nhớ lại cách Trân nói chuyện với Liên đêm hôm qua. Rõ nắm thóp được tim đen của tôi rồi đâu. Tôi liếc Liên một cái rồi cũng đành chịu thua mà nhận lại. Dường như nhận ra khuôn mặt tôi u ám, Liên lại thêm:

"Trừ khi cậu góp tiền ủng hộ cho ngôi trường này, tôi sẽ-"

Tôi ngay lập tức không nhưng nhị: "Đây là tiền từ thiện."

Liên có vẻ như rất hưởng thụ hành động không chút do dự của tôi như ngắm một đứa trẻ ngây thơ vậy. Liên thu tiền lại rồi nhét vào thẻ nhân viên, để tờ tiền bị kẹp giữa hai tấm giấy. Tôi nhìn thẻ nhân viên của cô ta chỉ in tên lên thôi, chứ không kèm theo bất kì thông tin nào khác.

Hiếu kỳ, tôi hỏi: "Cô hiện tại đang làm việc cho công ty nào?"

Liên đáp: "Hiện tại tôi không làm cho công ty nào cả."

Lưỡi tôi như bị quíu lại. Đầu tôi hơi hoang mang khi nghe Liên trả lời như vậy bởi vì rõ ràng nếu như không làm cho công ty nào thì cũng chỉ có hai lựa chọn. Một là làm freelancer, hai là thất nghiệp. Còn bí lắm thì lựa chọn cuối cùng là Liên đang làm một công việc mờ ám nào đó nên cần phải giấu người khác. Tôi từ trước đến giờ vẫn cho rằng một người như Liên đã trèo lên một chức vị nào đó rồi, nhưng ai ngờ, mọi thứ đều có thể.

Liên thấy sự gượng gạo trên khuôn mặt của tôi vẫn tự nhiên nói: "Sao vậy? Thất nghiệp trông đáng sợ đến vậy à?"

"Cũng không hẳn, chỉ là..."

Liên ung dung tiếp lời cho tôi: "Chỉ là tất cả mọi người trong khối ai cũng thành đạt mà tôi thì khác biệt quá à? Cậu đừng lo, tôi cũng quen cách mọi người nhìn tôi rồi."

Lạ thay, tôi nhìn gương mặt Liên lại không thấy một chút đượm buồn hay sự chua chát. Nực cười hơn nữa, và chính tôi cũng không tin được điều này, Liên lại tỏa hương sự tự tin và sự chín chắn. Liên gần như quên đi tất cả những gì tôi và cô ấy vừa nói. Cô nhìn mãi những đứa trẻ ốm nhom với sự tha thiết. Tôi tưởng chừng mình đang nhìn một người mẹ hiền, và từ khi nào tôi không nhớ, lòng ngực tôi đã đập loạn nhịp. Tiếng trống đập liên hồi bên tai khiến mặt tôi nóng lên.

Tôi ngỡ rằng mình thực sự đang đứng trước một người phụ nữ. Một người sẽ không quan tâm mấy đến tôi hay bất cứ thứ gì tôi sở hữu. Một người phụ nữ.

Khi đến giờ quay lại lớp học, mấy đứa nhỏ lại tiếc nuối níu kéo tôi. Tôi phì cười dọa rằng cứ bám lấy tôi là một ngày nào đó tôi sẽ bảo ông bị cướp lấy hết kẹo của tụi nó. Nghe xong bọn trẻ liền giật bắn mình. Chúng le lẹ quay về bàn mình ngồi, hai tay xếp lại ngăn nắp. Thế là tôi và lớp học ấy chào tạm biệt nhau.

Lúc tôi quay về với sân đánh golf cũng đã tầm một tiếng rưỡi. Thằng Khánh vừa thấy tôi liền chọc ghẹo hỏi sao tôi đi vệ sinh lâu thế, chẳng lẽ nặng quá không ra à. Tôi mặc kệ nó làm trò hề rồi bước đến chơi golf tiếp. Chơi một hồi thì lại thấy chán nên tôi đi đến dưới mái hiên, ngồi nghỉ lôi chiếc điện thoại ra đọc tin tức.

"Lại là ông Nguyễn Anh Văn nữa à?" Thằng Bảo ngồi bịch xuống bên tôi, tu bình nước khoáng.

"Ừ, ông ta mới bán sạch cổ phần thực phẩm Nhật Phạm là giá trị tuột dốc luôn." Tôi vẫn tiếp tục lướt lên màn hình điện thoại.

Nguyễn Anh Văn là một nhân vật mới nổi gần đây trong thị trường chứng khoán. Vì ông ta suy đoán vô cùng chuẩn xác mà dạo gần đây từng động thái của ông ta trên thị trường đều được các báo tài chính viết về cả.

Lý do tôi quan tâm về ông ta là vì dạo gần đây ông ta chiếm một con số không ít của cổ phần tập đoàn Fallei. Bởi vì đang nung nấu ý định mua cổ phần của Fallei rồi về nước mở công ty mà ông ta lại là đối thủ nặng ký. Bằng một cách nào đó, tôi luôn luôn chậm hơn ông ta một bước.

"Tao nghe nói hình như ông ta từng là chủ nợ hay sao ấy. Nhưng hình như gác kiếm rửa nghề rồi nên giờ đi giật dây, chơi chứng khoán."

"Ừ, tao cũng nghe nói."

"Đang nói về ông Phương à?" Từ xa, tiếng Hiền vọng lại. Tôi cùng Bảo gật đầu. Hiền đến gần cởi chiếc nón mũ trai ra quạt mặt, nói tiếp: "Bữa giờ ba tao cũng vò đầu bứt tóc với ổng đấy. Cũng may, nhà báo Cà Vạt vừa mới tung tin rằng ông ta gần bán hết cổ phần sở hữu rồi. Nghe nói đâu hình như đang dự kiến rút lui khỏi thị trường chứng khoán."

"Rút khỏi?" Thằng Bảo ngồi bật dậy.

"Ừ, ngu không? Rõ ràng thị trường chứng khoán ở Việt Nam đang phát triển, ai lại bỏ đi một mớ tiền như vậy?" Hiền nói.

Tôi lên tiếng: "Có thể là vì không thể dùng tài khoản đó nữa, hoặc là... bản thân không muốn dùng tài khoản đó nữa."

Hiền nghe vậy liền trầm tư suy nghĩ, rồi suy diễn: "Tại sao lại không muốn dùng? Nếu suy lại thì ông ta rõ ràng chưa bao giờ đỗ cấp ba, và trước kia cũng chỉ cho vay thôi. Cũng khó mà tưởng tượng được trong vòng bốn năm ông ta đã thành bậc thầy chứng khoán rồi."

Thằng Bảo nghe vậy liền tiếp lời: "Vậy thì có hai trường hợp: một là ông ta đã lỡ chọc một ông lớn nào rồi, còn hai là..."

Tôi, Bảo và Hiền nhìn nhau như đã hiểu ra được thứ gì rồi. Thật sự ở đây có hai nguyên nhân dẫn đến việc một bậc thầy rời khỏi thị trường chứng khoán mặc dù nó còn đang béo bở như thế này.

Nguyên nhân thứ nhất là ông ta đã vi phạm luật khi mua bán cổ phần nên phải hủy tài khoản.

Nguyên nhân thứ hai là người dùng tài khoản Nguyễn Anh Văn không phải là Nguyễn Anh Văn. Đối với nguyên nhân thứ nhất thì khó có thể nói rằng là chính xác bởi vì đây là lỗi thường mắc phải bởi những người chơi nghiệp dư mới vào khoảng một hai tháng.

Còn nếu đã tham gia thị trường chứng khoán lâu đến năm năm như vậy mà phạm lỗi thì thường có hai điều kiện. Một, họ là người chơi có ảnh hưởng lớn trong thị trường và hai, họ là một người thích chơi mạo hiểm theo chiều hướng tâm thần. Trên thực tế, việc vi phạm pháp luật tài chính hay lỡ đụng chạm vào một ông lớn nào đó trong chứng khoán vô cùng hiếm hoi.

Do đó, chúng ta sẽ nghĩ đến nguyên nhân thứ hai. Trước kia, Nguyễn Anh Văn từng dính dáng đến giang hồ và bị nổi tiếng với nghi vấn phạm tội, nên ít có doanh nhân tiếp cận ông ta cả.

Tuy nhiên, nếu như đây là người ông ta thuê để chơi cho ông ta thì mọi chuyện hoàn toàn khác. Dựa trên những cơ sở trên thì có thể luận ra: giờ này giao dịch giữa ông ta và người chơi thuê đã chấm dứt cho nên tài khoản Nguyễn Văn Anh Văn sẽ rút lui trong một thời gian cho đến khi tài khoản mới của người chơi kia xâm nhập vào thị trường.

Suy ra, người đầu tiên có thể làm quen với người chơi sau tài khoản Nguyễn Anh Văn sẽ là người hưởng lợi nhiều nhất. Cũng vì vậy mà tình huống trong nguyên nhân thứ hai hấp dẫn nhiều người trong ngành hơn, và cũng khiến bọn tôi chỉ muốn giam giữ món thông tin này trong lòng.

avataravatar
Next chapter